SÀN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG .COM

Di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Thông tin cần biết | 2024-11-14 17:19:02

Hồ sơ di cư Việt Nam 2023 cho thấy, trong giai đoạn 2017-2023, di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tương đương hơn 100.000 người mỗi năm, tập trung nhiều nhất tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là thông tin trong Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) mới công bố tại Hà Nội.

Theo số liệu của hồ sơ, giai đoạn 2017 - 2023, Việt Nam có gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tương đương hơn 100.000 người/năm, tập trung nhiều nhất tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Lượng kiều hối chuyển về hàng năm ước đạt 3 - 4 tỷ USD.

Bên cạnh di cư lao động, những loại hình như di cư du học, di cư kết hôn có yếu tố nước ngoài, di cư cho nhận con nuôi Việt Nam ra nước ngoài cũng có xu hướng tăng.

Dù chưa có số liệu chính xác nhưng con số ước tính 250.000 người, chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Trung Quốc, Anh, Đức. Đặc biệt, tỷ lệ người Việt Nam di cư là nữ giới có chiều hướng tăng.

Bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, cùng với các chính sách khuyến khích du lịch và mở rộng hợp tác với các đối tác, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng.

Trong giai đoạn 2017 - 2022, 475.198 lao động nước ngoài được cấp phép. Sự có mặt của lao động nước ngoài đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội Thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép hoặc sử dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để đi nước thứ ba, hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn và trật tự xã hội.

“Do đó, việc định kỳ đánh giá các dòng di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài và dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam là rất cần thiết, giúp nhận diện kịp thời các vấn đề chính sách dựa trên bằng chứng để từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật về di cư theo kịp với yêu cầu thực tiễn”, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự nhấn mạnh.

Các chuyên gia nhận định, số liệu của hồ sơ di cư cho thấy một số thách thức Việt Nam đang phải đối mặt như việc bảo đảm di cư an toàn, ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, mua bán người qua biên giới;

Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người di cư trước thực trạng lừa đảo “việc nhẹ lương cao", đưa người di cư làm việc trái phép, mua bán người nhằm ép buộc thực hiện hành vi phạm tội tại các cơ sở sòng bạc, kinh doanh trò chơi trực tuyến trong khu vực.

Đáng chú ý, tình trạng “chảy máu chất xám” và các thách thức mới đặt ra do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo bắt đầu thay thế nguồn nhân lực tay nghề thấp cũng là những vấn đề cần tiếp tục quan tâm. Ước tính 70 - 80% du học sinh tự túc không về nước sau khi học xong mà ở lại nước ngoài làm việc với thu nhập cùng chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Ảnh minh họa

Báo cáo khuyến nghị, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ, đột phá để giảm thiểu tình trạng này; đồng thời, biến thách thức thành cơ hội khi hiện nay đã hình thành quan niệm mới về “tính di động chất xám" giúp người di cư vẫn có thể tham gia, đóng góp bằng các hình thức khác nhau mà không nhất thiết phải trở về đất nước.

Là một trong những quốc gia đi đầu triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM), thông qua hồ sơ di cư Việt Nam 2023, Việt Nam cho thấy cam kết mạnh mẽ trong việc đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy di cư an toàn và sự cần thiết của việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng như mục tiêu số 1 của thỏa thuận.

Hồ sơ di cư Việt Nam là công cụ chính sách quan trọng, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật Việt Nam về di cư quốc tế trên các lĩnh vực như di cư lao động, du học, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, phòng chống tội phạm mua bán người... hướng đến xây dựng cơ chế quản lý di cư quốc tế trên cơ sở phối hợp, chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các bộ, cơ quan hữu quan.

Qua đó thể hiện sự hợp tác chặt chẽ với các nước, các đối tác tham gia quá trình di cư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư và củng cố các mặt tích cực của di cư đối với phát triển bền vững.

Nguồn: Molisa.gov.vn


Bài viết khác