SÀN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG .COM

Tiến tới tháo gỡ nhiều rào cản giúp người lao động Việt Nam có thể tới CHLB Đức làm việc thuận lợi

Thông tin cần biết | 2024-03-04 16:44:22

Ngày 23/01, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp và làm việc cùng Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) Hubertus Heil về một số nội dung hợp tác liên quan trong lĩnh vực lao động giữa hai quốc gia. Đây là sự kiện thuộc khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam Đào Ngọc Dung (phải) và Bộ trưởng Bộ LĐXH CHLB Đức Hubertus Heil (trái) ký kết Bản ghi nhớ chung giữa hai Bộ.

Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ niềm vui và đánh giá cao sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội (LĐXH) Hubertus Heil cũng như CHLB Đức đối với lĩnh vực lao động – việc làm của Việt Nam. “Đặc biệt, trong chuyến thăm và làm việc của Tổng thống CHLB Đức, lao động – việc làm là lĩnh vực duy nhất được ký kết Bản ghi nhớ hợp tác chung giữa hai quốc gia, với đại diện trực tiếp là Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ LĐXH CHLB Đức”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, năm 2023, Việt Nam đã đưa hơn 150 nghìn người lao động tới các quốc gia như Hungary, Bulgaria, Canada, … Thời gian qua, Việt Nam cũng đã đưa hơn 1 nghìn điều dưỡng viên từ Việt Nam sang làm việc tại Đức, đồng thời Lãnh đạo Bộ LĐTBXH Việt Nam đã trực tiếp tới các cơ sở điều dưỡng ở Đức để kiểm tra, xem xét năng lực và điều kiện làm việc của các điều dưỡng viên này.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ LĐXH CHLB Đức Hubertus Heil tại buổi tiếp và làm việc.

Trao đổi thêm về một số rào cản trong việc đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Đức, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, rào cản lớn nhất khiến người lao động của Việt Nam khó tham gia thị trường lao động tại Đức là vấn đề cấp thị thực (VISA). Bên cạnh đó, nhiều người lao động Việt Nam chưa thể tới Đức để làm việc do một số yêu cầu chứng chỉ, kỹ năng nghề và đặc biệt là yêu cầu về ngôn ngữ.

Nhằm khắc phục các rào cản nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, hai quốc gia cần cho phép các doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ nhau trong phạm vi có thể, trao đổi để làm rõ các nhu cầu và các điều kiện yêu cầu. Thêm vào đó, CHLB Đức cần tạo điều kiện hơn cho người lao động Việt Nam về chứng chỉ, kỹ năng nghề nghiệp và nới lỏng các điều kiện yêu cầu đối với người lao động Việt Nam được đào tạo đúng ngành nghề, phù hợp với nhu cầu của CHLB Đức.

“Ví dụ thực tế như các điều dưỡng viên sau khi được đào tạo tại các trường Đại học Y hoặc Cao đẳng Y tại Việt Nam thì khi tới Đức chỉ cần đào tạo bổ sung thêm về ngôn ngữ”, Bộ trưởng gợi ý.

Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc.

Đáp từ Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐXH CHLB Đức Hubertus Heil vui mừng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu từ phía Việt Nam và bày tỏ sự ấn tượng với những kết quả mới đạt được giữa Việt Nam và CHLB Đức nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam.

“Sự hợp tác của hai quốc gia, hơn hết là hai Bộ được thể hiện ở nhiều cấp độ và có nhiều mối quan tâm chung. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, lãnh đạo hai Bộ đã có cơ hội trao đổi về nhiều vấn đề trong lĩnh vực lao động – việc làm và đặc biệt là sự kiện ký kết Bản ghi nhớ chung giữa hai Bộ có vai trò lớn đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia”, Bộ trưởng Hurbetus Heil khẳng định.

Chia sẻ về thị trường lao động của CHLB Đức, Bộ trưởng Bộ LĐXH CHLB Đức thông tin, hiện nay, Đức đã và đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Theo thống kê, đến năm 2025 sẽ có một số lượng lớn người lao động được sinh ra kể từ năm 1945 nghỉ hưu, khiến nhu cầu về người lao động cần thay thế đến năm 2035 của Đức là 7 triệu người.

Để tăng cường thu hút người lao động từ nhiều quốc gia khác, nhất là từ Việt Nam, vừa qua, Quốc hội Đức đã hiện đại hóa Luật Nhập cư lao động với một số cải tiến về định cư lao động mới và tương lai có thể thay đổi thêm việc công nhận các chứng chỉ ngôn ngữ cũng như các chứng chỉ nghề nghiệp có liên quan. Ngoài ra, thời gian tới, CHLB Đức sẽ số hóa quy trình cấp thị thực (VISA) giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ xin cấp thị thực và tăng cường quảng bá về các ngành nghề của Đức để người lao động thuận lợi xác định công việc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thảo luận cùng Bộ trưởng Hubertus Heil về các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ thời gian tới.

Sẽ có nhiều hoạt động hợp tác trong lao động giữa Việt Nam và CHLB Đức

Nhằm hiện thực hóa Bản ghi nhớ chung giữa hai Bộ, Bộ trưởng Bộ LĐXH Hubertus Heil đề xuất với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lãnh đạo hai Bộ cần tổ chức một Hội thảo trực tuyến giúp tăng cường khả năng thu hút người lao động từ Việt Nam tới làm việc tại Đức.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tán thành việc tổ chức Hội thảo trực tuyến và cho rằng, Hội thảo là cơ hội để Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ LĐXH CHLB Đức có thể xác định cụ thể kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ chung cũng như thảo luận về các vướng mắc và đưa ra biện pháp tháo gỡ.

Lấy kết quả của Hội thảo trực tuyến làm cơ sở, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ LĐXH CHLB Đức cùng đồng tình, bám sát theo Bản ghi nhớ chung, lãnh đạo hai Bộ sẽ tổ chức một Diễn đàn hợp tác lao động trực tiếp giữa hai quốc gia tại Đức, do hai Bộ trưởng chủ trì với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ Việt Nam, tạo cơ hội kết nối, đáp ứng các nhu cầu về tuyển dụng người lao động của doanh nghiệp CHLB Đức.

Nguồn: Molisa.gov.vn


Bài viết khác