SÀN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG .COM

Đẩy mạnh đưa lao động miền Trung, Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài

Thông tin cần biết | 2023-11-06 17:08:05

Ngày 27/10, tại Quảng Bình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Thúc đẩy đưa lao động các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định với sự tham gia của 13 địa phương trong khu vực, Cục quản lý Lao động ngoài nước, Cục Việc làm, đại diện Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức quốc tế.

Báo cáo về kết quả thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các Chương trình phi lợi nhuận do Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thực hiện, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cho biết, Trung tâm được Bộ LĐTBXH giao thực hiện các Thỏa thuận quốc tế được Bộ ký kết với các Bộ, đối tác để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đưa được hơn 136.000 lượt người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Chương trình EPS, từ năm 2004 đến nay, đã phái cử được 126.860 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó số lượng lao động các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là 50.165 người, chiếm 40 %. Kể từ năm 2017 đến nay, các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên có số lượng lao động xuất cảnh là 22.480 người trên tổng số 32.220 người, chiếm tỷ lệ 70% của cả nước, trong giai đoạn này, riêng Thanh Hóa và Nghệ An có 12.598 lao động xuất cảnh chiếm 39% của cả nước.

Với Chương trình IM Japan, từ khi triển khai đến nay, Trung tâm đã phối hợp tuyển chọn, phái cử được 8.697 lượt thực tập sinh sang Nhật Bản, riêng trong giai đoạn 2017 đến năm 2023 có 1.898 thực tập sinh xuất cảnh trên tổng số 3.690 thực tập sinh chiếm 51%.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đang thực hiện một số Chương trình phi lợi nhuận khác như: đưa người lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong ngành hộ lý theo Thỏa thuận với Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka; đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc); đi làm việc tại CHLB Đức theo Chương trình Hand in Hand; đi học tập và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức trong ngành điều dưỡng theo thỏa thuận với Công ty Vivantes.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao hiệu quả các Chương trình phi lợi nhuận đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua

Đánh giá công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho rằng đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Các Chương trình phi lợi nhuận do Trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện cũng ngày càng đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhất là tại vùng sâu, vùng xa do trình độ văn hóa và ý thức kỷ luật của người lao động chưa cao; tiền lương của một số thị trường chưa đủ sức hấp dẫn người lao động; công tác vay vốn cho người lao động còn gặp khó khăn. Ngoài ra, tại một số địa phương, có tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật nước sở tại, khi hết hạn hợp đồng không về nước hoặc bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú bất hợp pháp vẫn ở mức cao cần phải khắc phục …

Tình trạng cư trú bất hợp pháp đã giảm nhưng chưa bền vững

Tại Hội thảo, ông Vi Ngọc Quỳnh- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghê An cho biết, hiện nay tỉnh Nghệ An đang có khoảng trên 80.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lực lượng này đóng góp lượng kiều hối chuyển về tỉnh ước đạt 500 triệu USD/ năm. Ông Quỳnh cho biết, tỉnh Nghệ An đánh giá rất cao Chương trình EPS, đây là Chương trình có chi phí rất thấp, thu nhập cao và ổn định so với các thị trường khác. Nghệ An cũng là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng đi làm việc ở Hàn Quốc với hơn 13.000 lao động đã xuất cảnh theo Chương trình này. Tuy nhiên, từ 2011 đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhiều lao động tỉnh Nghệ An làm việc tại Hàn Quốc không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, ở lại Hàn Quốc làm việc và cư trú bất hợp pháp. Tỉnh đã có nhiều giải pháp tuyên tuyền, số lượng lao động bất hợp pháp tuy có giảm so vói trước nhưng tình hình vẫn đang còn diễn biến phức tạp, số lượng còn lớn.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH tinh Thanh Hóa cũng cho biết, Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm số tiền người lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình khoảng 345 triệu USD. Trong đó Chương trình EPS là chương trình trọng điểm, thu hút rất nhiều lao động Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc lao động vi phạm hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã và đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích cũng như làm mất cơ hội sang làm việc của nhiều lao động trong tỉnh.

Liên quan đến tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp, ông Đặng Huy Hồng,cũng cho biết, một khó khăn lớn trong việc triển khai các chương tình phi lợi nhuận mà Trung tâm đang thực hiện đó là số lượng và tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp còn cao, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc. Mặc dù hiện nay, tình trạng cư trú bất hợp pháp đã có sự chuyển biến, giảm về số lượng và tỷ lệ tuy nhiên mức giảm chưa bền vững, chưa xuống mức cam kết với phía Hàn Quốc. Một số huyện thuộc các tỉnh khu vực miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hết hạn hợp đồng lao động không về nước có dấu hiệu tăng trở lại, cao hơn so mức bình quân của cả nước và cao hơn so với mức cam kết với phía Hàn Quốc trong năm 2023…

Để giảm số lượng, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ông Hồng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong đó tập trung ở các địa phương nhiều lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình triển khai công tác tuyên truyền, vận động, và các giải pháp khác để giảm số lượng bất hợp pháp, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước về mức cam kết với phía Hàn Quốc.    

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, khu vực miền Trung, Tây Nguyên là khu vực chiếm tỷ trọng và số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung và thông qua các Chương trình phi lợi nhuận nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được quan tâm giải quyết như: tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước của một số huyện thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình còn cao; số lượng lao động của các địa phương khu vực Tây Nguyên tham gia các Chương trình phi lợi nhuận của Trung tâm còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nhân lực và nhu cầu việc làm của người lao động. Việc kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động về nước chỉ mới được thực hiện thông qua những hoạt động riêng lẻ, không thường xuyên và chưa thực sự hiệu quả.

Để công tác này tiếp tục đạt được kết quả tích cực, bền vững hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các Sở LĐTBXH, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố tăng cường công tác thông tin, quảng bá các chương trình; thông tin kịp thời kế hoạch tuyển chọn lao động để người lao động biết, tham gia; phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các Sở LĐTBXH xây dựng, triển khai quyết liệt, sâu rộng các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ, số lượng lao động tham gia Chương trình EPS hết hạn hợp đồng lao động không về nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, các Trường nghề để nâng cao hiệu quả kết nối giữa công tác đào tạo và công tác tuyển chọn, phái cử lao động, từng bước nâng cao số lượng và tỷ lệ lao động đã được đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài. Cũng như đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với các Sở LĐTBXH, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố có các giải pháp cụ thể hơn nữa trong để hỗ trợ người lao động, như hỗ trợ vay vốn học nghề, ngoại ngữ cho người lao động, tuyên truyền, vận động người lao động và gia đình khi người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng hạn…

Cục Việc làm chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường tư vấn giới thiệu người lao động tham gia các chương trình tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi hết hạn hợp đồng ở nước ngoài về nước.

Nguồn: molisa.gov.vn


Bài viết khác