SÀN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG .COM

Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài

Chương trình hỗ trợ xklđ | 2023-11-14 08:57:29

( chinhphu.vn ) - Năm 2022, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động là đồng bào dân tộc thiể số (DTTS) đi làm việc ở nước ngoài được ban hành

Tư vấn việc làm cho thanh niên DTTS - Ảnh: VGP

Cụ thể, ngày 6/9/2022, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Trong Thông tư này, nội dung hỗ trợ đưa người lao động là đồng bào DTTS, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đi nước ngoài làm việc được quy định rất cụ thể tại chương III.

Theo đó, nhóm lao động này được hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cách thức thực hiện hỗ trợ: Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp khi tuyển chọn lao động tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp với cơ quan LĐ-TB&XH tại địa phương thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng với các cơ sở dạy nghề, ngoại ngữ, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trường hợp người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năngnghề, ngoại ngữ đã đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan LĐ-TB&XH thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có trách nhiệm hỗ trợ người lao động cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ để nhận hỗ trợ.

Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn, bản); hỗ trợ cho các Trung tâm dịch vụ việc làm đã giới thiệu việc làm thành công (có giao kết hợp đồng lao động) cho người lao động là người DTTS nhằm khuyến khích các đơn vị tham gia hoạt động này.

Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho người lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài

 

Trước đó, ngày 4/3/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025. Trong đó, Điều 25 của Thông tư quy định những chính sách hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngày hội tư vấn việc làm thu hút nhiều thanh niên DTTS - Ảnh: VGP

Cụ thể, đối với người lao động là người DTTS, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng DTTS và miền núi được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép…) mức 600.000 đồng/người.

Hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên.

Đối với người lao động là người Kinh thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống trên địa bàn vùng DTTS và miền núi được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ đối với đối tượng người DTTS, người lao động là người Kinh thuộc hộ nghèo.

Ngoài ra, chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mức hỗ trợ tối đa là 750.000 đồng/người, áp dụng cho tất cả các đối tượng như trên.

Về hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ hoặc người lao động đã hoàn thành khóa học từ trước đó thì thực hiên hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khi đủ điều kiện xuất cảnh ở nước ngoài căn cứ các hóa đơn, chứng từ thực tế.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/


Bài viết khác