SÀN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG .COM

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, phát triển thị trường lao động ngoài nước

Cập nhật thông tin xuất khẩu lao động | 2023-01-04 11:02:18

(LĐXH)-Theo thống kê, trong 11 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 122.004 lao động (trong đó có 44.572 lao động nữ), đạt 135,56% kế hoạch năm 2022. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 60.105 lao động (27.359 lao động nữ), Đài Loan: 53.883 lao động (16.257 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.732 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.663 lao động.

Có thể thấy, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài những năm qua ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một kênh giải quyết việc làm rất có ý nghĩa đối với người lao động, đồng thời mỗi năm đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, góp phần đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động, chủ yếu ở nông thôn và người nghèo.
Nhiều người lao động đi xuất khẩu lao động đã tích lũy được một khoản tiền nhất định, từ đó có điều kiện  cải thiện đáng kể cuộc sống, có tiền sửa sang, xây mới nhà ở, mua đồ dùng sinh hoạt và tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh. Đó chính là hiệu quả của phong trào xuất khẩu lao động tại nhiều địa phương trong cả nước.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu ở Việt Nam được hỗ trợ khi mở rộng thị trường lao động ngoài nước
 
Theo dự báo, năm 2023, công tác xuất khẩu lao động có nhiều tín hiệu tích cực và  sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Theo đó, ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho lao động có tay nghề cũng sẽ được mở rộng.
Nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Các quốc gia như: Australia, Đức, Canada, New Zealand và Canada có nhiều chính sách để thu hút lao động ở nhiều quốc gia đến làm việc.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và các đơn vị phát triển, mở rộng được thêm nhiều thị trường XKLĐ mới, Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Quyết định 40/2021/QĐ-TTg cũng có quy định hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường lao động.
Khoản 3, điều 4, Chương I, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có quy định về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định việc mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao, ngành, nghề, công việc cụ thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Khoản 2, điều 67, Chương V, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có quy định cụ thể nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Theo đó, quy định Quỹ thực hiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện khai thác, phát triển, ổn định thị trường lao động ngoài nước.
Điều 16, mục 2 của Quyết định 40 quy định cụ thể về nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng góp Quỹ theo quy định. Sau đó, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ 1 lần trong 1 năm cho từng thị trường quy định tại Điều 17 Quyết định này.
Điều 17 của Quyết định 40 quy định hỗ trợ khai thác, phát triển và ổn định thị trường lao động ngoài nước. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng và ổn định thị trường lao động ngoài nước, tham gia khảo sát, đánh giá thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam do Bộ LĐTBXH và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 1 nhân viên của doanh nghiệp theo chi phí thực tế nhưng tối đa bằng giá vé hạng phổ thông của hãng hàng không có khai thác hoặc liên kết khai thác chuyến bay từ Việt Nam đến quốc gia, vùng lãnh thổ công tác.
Về điều kiện hỗ trợ, trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc chuyến công tác, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hỗ trợ theo mẫu, kèm theo 1 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu chính tới Cơ quan điều hành Quỹ.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 tới nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời, tìm kiếm các ngành nghề mới, các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao tiếp nhận lao động Việt Nam. 
Chính vì vậy, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là rất có ý nghĩa. Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được đánh giá như là một giải pháp quan trọng và kịp thời để bảo đảm được quyền lợi cũng như trách nhiệm và kể cả việc hỗ trợ doanh nghiệp an tâm hơn, giúp họ xử lý những rủi ro, mở rộng thị trường và những yếu tố khác trong lĩnh vực này. Trách nhiệm trước hết là thuộc về chính doanh nghiệp dịch vụ và bản thân người lao động thông qua việc đóng góp vào Quỹ này như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro./.
Nguồn:laodongxahoi.net

Bài viết khác